Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2014: Hành động để ngăn nước biển dâng

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2014 - “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.

 

Dễ tổn thương

Các quốc đảo nhỏ trên thế giới là nơi sinh sống của hơn 63 triệu người. Hầu hết trong các quốc đảo này, giá trị quan trọng và sự đa dạng của tài nguyên  thiên nhiên đều vượt  ra ngoài quy mô diện  tích của chúng. Các quốc đảo đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đại dương và nhiều hệ sinh thái  - nơi chứa các khu lưu trữ động, thực vật đa dạng nhất hành tinh.

Mặc dù nguồn vốn  tài nguyên có giá trị, nhưng các đảo nhỏ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đối với phần lớn các đảo, sự ngăn cách về địa lý ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt là các chi phí về năng lượng, hạn chế khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp du lịch. Các quốc đảo ngày càng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự tàn phá của các cơn bão và nước biển dâng.

Ước tính, các quốc đảo nhỏ chỉ phát thải CO2 hằng năm ít hơn 1% lượng phát thải trên toàn thế giới nhưng họ lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ủy ban Quốc  tế về biến đổi khí hậu  cho  rằng,  sự nóng  lên  toàn  cầu  sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 - 590mm vào năm 2100. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, những ước tính trên có khả năng tăng lên ít nhất hai lần. Tính dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu, hạn chế về khả năng phục hồi sau thiên tai và sự đe dọa của đa dạng sinh học độc đáo trên các đảo.

Trong 400 năm qua, đã có 724 loài động vật bị tuyệt chủng, khoảng một nửa trong số đó là các loài ở hải đảo, và có ít nhất 90% số loài chim đã tuyệt chủng trong cùng thời gian ở các đảo trên. 

 

Chung tay bảo vệ Trái đất 

Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện môi trường được hưởng ứng rộng rãi và có quy mô lớn nhất toàn cầu, thu hút sự tham gia của hàng trăm triệu người thuộc hơn 150 quốc và vùng lãnh thổ. Đó là sự kiện “của người dân” thể hiện những  hành  động  tích  cực  cho môi  trường, bắt đầu  từ những hoạt  động  cá nhân sẽ tạo thành một sức mạnh tập thể theo cấp số nhân trên khắp hành tinh.

Ngày Môi  trường  thế giới năm 2014 không chỉ  là cơ hội để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, mà chính nhân loại cũng sẽ là tác nhân cho sự thay đổi. Hãy lên tiếng vì môi  trường. Nhận ra những  thách  thức chúng  ta đang phải đối mặt để xây dựng mục tiêu  chung  là  sự  bền  vững  và  thịnh  vượng  trên  khắp  hành  tinh  này.

 Mọi  người  hãy cùng nâng cao  tiếng nói,  theo  tinh  thần đoàn kết, đặc biệt  là chia sẻ với những quốc đảo nhỏ. Dù là tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường, giảm  thiểu chất  thải sinh hoạt, đi bộ, hay các sáng kiến về tái chế chất thải, tổ chức chiến dịch trồng cây, các chiến dịch truyền thông xã hội hay các cuộc thi về môi trường khác nhau... chúng ta đã góp phần cùng toàn thế giới hành động tích cực vì môi trường.

 

Hành động mạnh mẽ của Việt Nam

Với chiều dài 3.260km đường bờ biển cùng với hơn 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong chu kỳ hơn 10 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Đặc biệt  là  nước  nông  nghiệp,  với  hai  “vựa lúa” vùng  đồng  bằng Sông Hồng (và vùng đồng bằng Sông Cửu Long), biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp.

Cũng như một số nước nổi lên trên diễn đàn quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu trong gần 20 năm qua như Na uy và Indonesia, biến đổi khí hậu là vấn đề còn mới đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã sớm có những đánh giá, nhận định và chiến lược ứng phó phù hợp.

 Ở cấp độ chiến lược – kế hoạch cụ thể, Chính phủ đã kịp thời từ đề cập đến có chiến  lược  chuyên  đề  để  cụ  thể  hóa  chủ  trương  của Đảng  về  vấn  đề  biến  đổi  khí hậu. Chiến  lược phát  triển KT-XH 2011- 2020 nêu  rõ quan điểm “Phát  triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Hay gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 với kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ chính sách, Việt Nam  đã  sớm  xây  dựng,  ban  hành  các  văn  bản  chính  sách,  quy  phạm  pháp  luật,  tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi  khí  hậu  như:  Luật Đê  điều;  Luật  Tài  nguyên  nước;  Luật  Bảo  vệ  và  phát  triển rừng…


Song song với các hoạt động  trong nước, Chính phủ đã chủ động để có vai  trò ngày càng tích cực trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế, xây dựng được hình ảnh Việt Nam  tích  cực  ứng  phó  với biến  đổi  khí  hậu trên  trường  quốc  tế. Điển  hình  như Việt Nam luôn tích cực tham gia tất cả các Hội thường niên của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu từ COP 1 năm 1995 đến CoP 19 năm 2013.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các tổ chức chuyên đề trong khu vực cũng  như  toàn  cầu  như: Trung  tâm  giảm  nhẹ  thiên  tai Châu Á, Trung  tâm phòng ngừa thiên tai Châu Á; Ủy ban quản lý thiên tai ASEAN; Đối tác giảm nhẹ thiên tai…

Nguồn trích dẫn: Báo Tài Nguyên Môi Trường